Gia đình và cuộc đời Dương Quân (nhà thơ)

Ông là út trong gia đình có hai anh em. Dương Hành Kiện người anh ruột về sau này nguyên là phó chánh án Tòa án nhân dân thành phố Vinh- Nghệ An thập niên 1965-1975. Cha ông, một nho sĩ nghèo vừa dạy học, vừa bốc thuốc mất lúc ông còn nhỏ. Bà mẹ trẻ ngoài hai mươi tuổi góa chồng sớm ở vậy nuôi con ăn học. Sinh vào buổi thời tàn của nho học nhưng lại theo đòi Hán học, thông chữ Hán và thạo cả tiếng Pháp, Dương Quân là cháu bên nội của nhà thơ nổi tiếng Long Sơn - Dương Tri Tản và là chắt bên ngoại của tiến sĩ Đông Các đại học sĩ Hồ Sĩ Dương.[1] Sớm tiếp thu cái gien văn chương của tổ tiên mình nên mới mười một tuổi ông đã tập làm thơ và tham gia nhóm Thiếu niên Ái hữu trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Trước Cách mạng tháng Tám, ông tham gia phong trào Việt Minh bí mật ở huyện nhà. Tham gia khởi nghĩa, gia nhập Thanh niên rồi tham gia Cách mạng tháng 8 năm 1945, Xung phong đi bộ đội, sau đó chuyển sang làm việc ở công an huyện Quỳnh Lưu. Ở cương vị công tác nào thì ông cũng vẫn làm thơ. Năm 1953 xảy ra vụ Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam, gia đình ông bị quy oan địa chủ và một kẻ xấu vu cho ông từng tham gia Đại Việt, một tổ chức phản động thời Nhật thuộc, tuy gia đình ông những năm 1930 đã hăng hái tham gia cách mạng ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Năm 1955 ông phẫn nộ bỏ ra Hà Nội. Không đủ tiền lộ phí ông đi bộ, dọc đường làm thuê. Ông lên Đại Từ (Thái Nguyên) rồi Tuyên Quang tìm việc làm... Quay về Hà Nội lúc đó vừa mới giải phóng, ông đi bổ củi thuê, đi bán sách, bán báo ở Chợ giời, Phố Huế, Hai Bà Trưng...

Sau khi tốt nghiệp khoa báo chí, đầu năm 1959 ông được giới thiệu vào làm phóng viên báo Lao động và bỉnh bút cho tờ báo lâu năm nhất, cũng là lớn nhất này tới lúc giã từ cuộc đời.